Ung thư máu | Các nguy cơ mắc bệnh Ung thư tế bào máu | Điều trị Ung thư



TỔNG QUAN VỀ BỆNH UNG THƯ MÁU
Bệnh ung thư máu hay còn có một tên gọi khác chính là bệnh bạch cầu. Bệnh thường gặp và phát triển với những bệnh nhân có số lượng bạch cầu lớn hơn gấp nhiều lần số lượng hồng cầu trong máu.
1. Ung thư máu (bệnh bạch cầu) là gì?
Ung thư máu hay bệnh bạch cầu là bệnh ác tính của các tổ chức tạo máu. Bệnh xuất hiện khi cơ thể không thể kiểm soát được số lượng các bạch cầu có trong máu và làm cho số lượng bạch cầu trong máu tăng cao, điều này là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư máu.
Máu trong cơ thể do các tế bào máu khác nhau với các chức năng khác nhau cấu tạo nên, các tế bào này được chia làm 3 loại, được gọi là 3 dòng tế bào:
– Bạch cầu : có chức năng chống lại sự nhiễm khuẩn.
– Hồng cầu : có chức năng vận chuyển ôxy đến các tổ chức trong cơ thể.
– Tiểu cầu : có chức năng đông máu, để kiểm soát sự chảy máu.
Trong cơ thể con người, các tế bào máu không tự sinh ra trong máu mà được tạo ra từ tế bào nguồn trong tủy xương, phát triển thành các dòng tế bào. Các tế bào máu liên tục chết đi và các tế bào mới được hình thành thay thế cho các tế bào chết. Việc tạo ra tế bào máu mới liên tục được tiếp diễn trong tủy xương sao cho tế bào của mỗi dòng ổn định về hình thái với số lượng trong một phạm vi tương đối ổn định.
Ung thư bạch cầu xuất hiện khi quá trình tạo tế bào máu trong tủy xương bị biến đổi, tạo ra các tế bào bạch cầu bất thường, đó là các tế bào bạch cầu ác tính. Không giống các tế bào máu bình thường, các tế bào máu ác tính không chết đi mà có thể tăng sinh phát triển vô độ, lấn át các dòng tế bào máu bình thường khác, làm cho chúng không được thực hiện chức năng bình thường.
2. Các nhóm bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu được phân chia thành các nhóm khác nhau theo chính sự tiến triển của bệnh, gồm 2 nhóm bạch cầu chính sau đây:
– Bệnh bạch cầu mạn tính : Đây là một thể bệnh của bệnh bạch cầu, bệnh này có tốc độ tiến triển chậm, có thể kéo dài trong nhiều năm, nhất là nếu bệnh nhân được điều trị đúng cách. Trong giai đoạn sớm của bệnh, tế bào bạch cầu ác tính còn có khả năng thực hiện một số chức năng bình thường của bạch cầu. Lúc đầu bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì. Bệnh thường được phát hiện qua khám định kỳ trước khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện. Dần dần, các tế bào bạch cầu ác tính trở nên tồi tệ hơn. Khi số lượng các tế bào ác tính tăng sinh trong máu, các triệu chứng xuất hiện như: nổi hạch hay nhiễm khuẩn. Lúc đầu các triệu chứng còn ở thể nhẹ sau đó trở nên nặng nề hơn.
– Bệnh bạch cầu cấp tính : Đây là một thể bệnh ác tính hơn, tiến triển nhanh. Ngay khi bệnh bắt đầu, tế bào bệnh bạch cầu không thể thực hiện được vai trò của tế bào bình thường. Số lượng tế bào bạch cầu ác tính phát triển rất nhanh.
Một cách phân loại bệnh bạch cầu nữa là dựa trên dòng bạch cầu bị ảnh hưởng trong cơ thể như: các tế bào dòng tủy hoặc dòng lympho và tiến triển của mỗi dòng đó:
+ Bệnh bạch cầu lymphô mạn tính (CLL): Các tế bào lymphô bị ảnh hưởng và thường tiến triển chậm. Tuổi thường mắc bệnh là trên 55 tuổi. Hầu như không gặp ở trẻ em.
+ Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính (CML): Các tế bào dòng tủy bị ảnh hưởng và giai đoạn đầu thường tiến triển chậm. Phần lớn gặp ở người lớn.
+ Bệnh bạch cầu lymphô cấp tính (ALL) : Là thể phát triển ác tính của các tế bào dòng lymphô và tiến triển rất nhanh. Đây là thể bệnh bạch cầu thường gặp nhất ở trẻ em, người lớn đôi khi cũng có thể bị mắc.
+ Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML): Các tế bào dòng tủy bị ảnh hưởng và tiến triển nhanh. Có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em.
+ Bệnh bạch cầu tế bào tóc : là một thể hiếm gặp của bệnh bạch cầu mạn tính.

Nguồn: https://benbachdang.com

Xem thêm bài viết khác: https://benbachdang.com/suc-khoe

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *